Hoàn thiện lập pháp Lập pháp (Việt Nam)

Quan điểm

  • Thể chế hoá kịp thời đúng đắn quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp.
  • Đảm bảo phát huy cao độ nội lực, trí lực và sức mạnh của toàn hệ thống chính trị.
  • Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
  • Bảo đảm phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế trong xây dựng pháp luật.
  • Hoạt động lập pháp được tiến hành với những bước đi vững chắc; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành của pháp luật.

Định hướng

Hoàn thiện thể chế lập pháp: Quy định rõ phạm vi thẩm quyền của các cơ quan của Quốc hội trong quy trình lập pháp; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc lấy ý kiến nhân dân đối với các dự thảo luật, pháp lệnh. Xây dựng căn cứ pháp lý rõ ràng hơn cho hoạt động phân tích chính sách, đánh giá tác động của văn bản pháp luật tới cuộc sống. Quy định rõ ràng chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động lập pháp.

Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội bảo đảm: Quốc hội cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho cử tri cả nước; bảo đảm tính chuyên nghiệp và hiện đại trong mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội. Nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội. Tăng cường hỗ trợ về nhân lực, kỹ thuật, thông tin, cơ sở vật chất cho hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Tiếp tục hoàn thiện hoạt động lập pháp thông qua việc tăng cường ban hành luật, giảm thiểu việc ban hành Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chú trọng phân tích chính sách, đánh giá tác động; tổ chức việc tham vấn công chúng một cách khoa học, thực chất, hiệu quả; nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa của các ban soạn thảo; chú trọng kiểm soát quyền lực; kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm. Xây dựng đội ngũ chuyên viên giúp việc cho hoạt động lập pháp có trình độ, có năng lực tổng hợp và rà soát kỹ thuật của văn bản.